Bruna Alexandre của Brazil là một trong hai VĐV khuyết tật tham dự môn bóng bàn ở Olympic Paris 2024.
Bruna Alexandre thi đấu hai trận, khi Brazil thua Hàn Quốc 1-3, nội dung đồng đội nữ vào hôm qua 5/8. Cô gái sinh năm 1995 thực hiện những cú đánh và cắt bóng như những tay vợt bình thường. Khác biệt ở cú giao, khi cô đặt bóng lên mặt vợt rồi tung lên cao để thực hiện.
Động tác giao bóng của Alexandre trông dễ dàng và tự nhiên, nhưng từng là thứ khiến cô phải vật lộn nhiều nhất. Từ cô bé cụt tay, Alexandre giờ là tay vợt chuyên nghiệp.
Paris 2024 là Olympic đầu tiên của Alexandre, nhưng nó đã không được nối dài khi Brazil gặp ứng viên cạnh tranh huy chương ngay từ trận mở màn. “Đó không phải kết quả tôi mong đợi, nhưng tôi rất hài lòng với những gì đã đạt được”, tay vợt 29 tuổi nói với Reuters.
Ở trận đầu tiên, Alexandre đánh đôi cùng Giulia Takahashi và để thua 6-11, 5-11, 8-11. Sau đó, Brazil thắng rồi thua trong hai trận đơn, trước khi Alexandre thi đấu trận đơn còn lại, thua Lee Eun-hye 8-11, 5-11 và 6-11. Cô gái Brazil khẳng định toàn đội cảm thấy vui và tự hào vì đã chiến đấu đến phút cuối cùng với một trong những đối thủ mạnh nhất.
Khi mới sáu tháng tuổi, Alexandre mất cánh tay phải do một cục máu đông, từ mũi tiêm vaccine không đúng cách. Cô đến với bóng bàn từ bảy tuổi và giành được một số danh hiệu, nổi bật là HC đồng Paralympic Rio 2016 và HC bạc Paralympic Tokyo 2020.
Alexandre cho biết: “Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ, bất kể bạn chỉ có một tay hay một chân. Hãy tin rằng mọi thứ đều có thể thực hiện. Như tôi, đã có mặt tại Olympic sau 22 năm sự nghiệp”.
Thất bại ở Olympic không khiến Alexandre cảm thấy yếu đuối. Cô coi đó là vinh hạnh và đang nhắm tới giành HC vàng Paralympic Paris 2024, diễn ra từ ngày 28/8 đến 8/9, đồng thời muốn tiếp tục góp mặt tại Los Angeles 2028. “Tôi nghĩ mình đã giúp ích không chỉ cho bóng bàn, mà còn truyền cảm hứng cho những người khuyết tật khác”, Alexandre cho hay.
Điểm yếu của Alexandre là không thể giữ thăng bằng tốt như các đối thủ, đồng thời thiếu đi tốc độ. Bù lại cô có cú giao bóng độc đáo khiến đối thủ bối rối. HLV Jorge Fanck cho biết gần như giữ nguyên cách huấn luyện VĐV bình thường với Alexandre. “Cô ấy bù đắp mọi khó khăn có thể gặp bằng tài năng”, ông nói với hãng tin AP.
Bruna Alexandre là VĐV Brazil đều tiên tham dự cả Olympic lẫn Paralympic. Nhưng cô chưa phải duy nhất ở Paris 2024.
Tay vợt bóng bàn Melissa Tapper có kỳ Olympic thứ ba thi đấu cho Australia. VĐV 34 tuổi bị chứng “Đám rối thần kinh cánh tay” (Brachial plexus) trong lúc mới sinh, khiến cô mất cảm giác và gần như không thể cử động tay phải.
Trên bảng thứ bậc bóng bàn thế giới, Tapper xếp thứ 248, còn Alexandre là 182. Giống Alexandre, Tapper cũng chơi bóng bàn từ nhỏ và từng giành HC bạc Paralympic Tokyo 2020. Khi thi đấu, Tapper phải đeo một chiếc nẹp tuỳ chỉnh ở cẳng tay phải để tăng thêm sức mạnh cho cổ tay. “Mọi người chỉ nghĩ rằng tôi bị bong gân hay đại loại như vậy”, cô cho biết.
Ở bóng bàn đơn nữ Paris 2024, Tapper bị loại ở trận mở màn trước hạt giống số bốn Shin Yu-bin của Hàn Quốc. Đến đồng đội nữ, cô cùng Michelle Bromley và Jee Min-hyung thua các tay vợt Đài Loan 0-3.
Dữ liệu của Trung tâm nghiên cứu Olympic cho thấy có thêm vài VĐV từng dự cả Olympic lẫn Paralympic. Những cái tên gồm VĐV bóng bàn Ba Lan Natalie Partyka tại Bắc Kinh 2008 và London 2012, kình ngư Nam Phi Natalie Du Toit (2008) và cung thủ Italy Paola Fantato (1996).
VĐV khuyết tật nổi tiếng nhất là Oscar Pistorius từng dự London 2012, ở môn điền kinh với nội dung chạy 400m và tiếp sức 4x400m. VĐV cụt cả hai chân từng giành sáu HC vàng, một HC bạc và một HC đồng Paralympic trong ba kỳ 2004, 2008 và 2012. Tuy nhiên, sự nghiệp của Pistorius bị huỷ hoại vì tội bắn chết bạn gái là người mẫu Reeva Steenkamp, vào năm 2013, và phải nhận án tù sáu năm.
Nguồn: https://vnexpress.net/vdv-mat-mot-tay-thi-dau-bong-ban-olympic-paris-2024-4778532.html