Trong khi vài cầu thủ nhập tịch vẫn còn chơi bóng ở Super League, một số lại chọn cách rời đi, thậm chí có cầu thủ còn muốn xin rút quốc tịch Trung Quốc.
Super League không còn là thiên đường của giới cầu thủ nước ngoài sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Cuộc khủng hoảng kinh tế khiến nhiều đội bóng Trung Quốc không còn đủ tiềm lực để đầu tư mạnh tay vào những bản hợp đồng tầm cỡ hay giữ chân cầu thủ giỏi.
Giờ đây, khi bóng đá Trung Quốc đi xuống, một số cầu thủ nhập tịch chọn cách từ bỏ quốc tịch mới để theo đuổi cơ hội ở nơi khác.
Rắc rối vì nhập tịch Trung Quốc
Ricardo Goulart và Roberto Siucho Neira là hai trường hợp nhập tịch Trung Quốc nhưng chưa thi đấu phút nào cho đội tuyển quốc gia nước này. Ít ngày gần đây, bộ đôi này gây xôn xao dư luận khi nộp đơn xin bỏ quốc tịch Trung Quốc. Trong quá khứ, CĐV xứ tỷ dân kỳ vọng Goulart và Siucho giúp tăng sức mạnh cho ĐTQG. Nhưng tham vọng đó tan thành mây khói khi chỉ vừa được nhen nhóm.
Goulart sinh ra ở Sao Paulo, chơi cho Cruzeiro trước khi ký hợp đồng với Guangzhou Evergrande với giá 15 triệu euro vào năm 2015. Anh chứng tỏ tài năng khi ghi 81 bàn sau 131 lần ra sân ở Super League và góp công giúp Guangzhou Evergrande giành hàng loạt chức vô địch. Năm 2020, Goulart nhập tịch Trung Quốc và lấy tên là Gao Late.
Nhưng trong năm 2020, CLB này lâm vào khủng hoảng khi tập đoàn mẹ Evergrande Group vỡ nợ. Hậu quả là nhiều ngoại binh lần lượt rời đội, trong đó có Goulart.
Trở về Brazil thi đấu cho Santos và Bahia, Goulart gặp rắc rối vì quốc tịch mới. Anh buộc phải xin cấp lại quốc tịch Brazil để được đăng ký thi đấu với tư cách cầu thủ dạng “cây nhà lá vườn”. Giải Brazil quy định nghiêm ngặt về số lượng ngoại binh ở mỗi đội. Hành động xin rút quốc tịch Trung Quốc của Goulart bị nhiều CĐV Brazil chế nhạo.
Tương tự là trường hợp của Siucho. Anh sinh ra và lớn lên ở Peru, có ông nội là người gốc Quảng Đông. Siucho quyết định rời Universitario ở giải Peru để gia nhập Guangzhou Evergrande vào năm 2019.
Năm 2020, tiền đạo cánh này nhập tịch Trung Quốc và lấy tên là Xiao Taotao. Sau đó, anh được cho Kunshan F.C mượn nhưng chơi không mấy ấn tượng khi chỉ có 2 bàn sau 28 trận. Siucho được Guangzhou FC cho ra mắt đội một vào đầu năm 2022 nhưng bị thanh lý hợp đồng vì không đáp ứng được kỳ vọng. Từ tháng 2/2022 tới nay, Siucho thất nghiệp.
Những trường hợp khác
Không phải cầu thủ nhập tịch nào cũng chọn từ bỏ quốc tịch Trung Quốc, điển hình là Luo Guofu. Năm 2022, Luo trở về Brazil thi đấu cho America Mineiro. Anh vẫn giữ hộ chiếu Trung Quốc và in tên Guo LF lên áo đấu.
Ai Kesen (hay còn được biết đến với cái tên Elkeson) là trường hợp tương tự. Cầu thủ người Brazil có sự nghiệp ấn tượng tại Guangzhou FC với 4 chức vô địch Super League và 2 danh hiệu AFC Champions League.
Ai Kesen dẫn đầu làn sóng các cầu thủ ngoại binh nhập tịch Trung Quốc vào năm 2019. Hiện tại, dù đang thất nghiệp sau khi rời Gremio nhưng Al Kesen vẫn giữ hộ chiếu Trung Quốc bất chấp các quy định nghiêm ngặt về ngoại binh ở giải Brazil.
Một vài cầu thủ nhập tịch chọn cách ở lại Trung Quốc chơi bóng bao gồm Li Ke hay John Hou Saeter. Bộ đôi này sát cánh cùng nhau ở Beijing Guoan. Li Ke còn từng khoác áo tuyển Trung Quốc ở vòng loại World Cup 2022.
Đối với các cầu thủ nước ngoài, việc nhập quốc tịch Trung Quốc sẽ giúp họ dễ dàng theo đuổi sự nghiệp ở xứ tỷ dân. Đãi ngộ hấp dẫn là một trong những yếu tố thuyết phục nhóm ngoại binh chọn thi đấu cho tuyển Trung Quốc.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của quá khứ. Việc Hiệp hội Bóng đá Trung Quốc siết chặt việc đăng ký ngoại binh, bao gồm giới hạn mức lương trần của cầu thủ nước ngoài xuống còn 3,27 triệu USD mỗi năm, khiến nhiều cầu thủ không còn mặn mà với Super League và cả tuyển Trung Quốc.
Nguồn: https://zingnews.vn/tinh-canh-trai-nguoc-cua-dan-cau-thu-nhap-tich-trung-quoc-post1398172.html