Thất bại đồng thời của U.16 và U.19 Việt Nam đặt ra dấu hỏi về chất lượng lớp trẻ kế cận của đội tuyển Việt Nam.
Tháng buồn của bóng đá trẻ
U.19 Việt Nam đã dừng bước ở vòng bảng U.19 Đông Nam Á sớm một lượt đấu. Sau thất bại 2-6 trước U.19 Úc, thầy trò HLV Hứa Hiền Vinh đứng áp chót bảng B với 1 điểm. Nếu thắng U.19 Lào ở lượt cuối và giành ngôi nhì bảng, tối đa U.19 Việt Nam chỉ có 4 điểm, trong khi đó ở bảng C, cả U.19 Malaysia (nhất) và U.19 Thái Lan (nhì) đều có 6 điểm sau 2 trận.
Điều đó đồng nghĩa, Cao Văn Bình đã hết cơ hội đi tiếp cả với vị trí nhất bảng hay nhì bảng xuất sắc nhất.
Đây rõ ràng là bước lùi của bóng đá trẻ Việt Nam. Trước thất bại của U.19 Việt Nam khoảng 2 tuần, U.16 Việt Nam cũng thua toàn diện ở giải U.16 Đông Nam Á. Thầy trò HLV Trần Minh Chiến bị U.16 Campuchia cầm hòa, thua cả U.16 Thái Lan (1-2) và U.16 Indonesia (0-5). Đáng nói, Thái Lan và Indonesia lần lượt đoạt á quân và hạng ba ở giải U.16 Đông Nam Á. Gần như chắc chắn, đội U.19 của hai nền bóng đá này cũng sẽ hiện diện ở bán kết Đông Nam Á, cùng với Úc và Malaysia.
Trong khi bóng đá trẻ Thái Lan lâu nay là thế lực, còn Indonesia ngày càng tiến bộ, sự sa sút của Việt Nam ở cả lứa U.16, U.19 lẫn U.22 (chỉ giành HCĐ SEA Games) cảnh báo vấn đề đội tuyển quốc gia sẽ gặp: lứa kế cận kém chất lượng.
Đó là thời điểm, lứa U.19 hiện tại tròn 22 tuổi, bước vào ngưỡng kế cận đàn anh, đôn dần lên đội tuyển quốc gia. Đến năm 2030, lứa này sẽ bước vào giai đoạn chín nhất sự nghiệp. Còn lứa U.16 bước vào “hàng đợi”, nắm vai trò của lứa U.19 hiện tại.
Thất bại ở vòng loại World Cup 2026, cùng chuỗi 10 thất bại trong 11 trận dưới thời cựu HLV Philippe Troussier chỉ ra giới hạn của đội tuyển Việt Nam. Với bộ khung cầu thủ chất lượng (hợp nhất từ hai lứa U.19 đình đám một thời), đội tuyển Việt Nam lọt tới vòng loại thứ ba World Cup 2022, tứ kết Asian Cup 2019 và vô địch AFF Cup 2018. Tuy nhiên, chúng ta tiến bộ, đối thủ cũng không đứng yên.
Việc World Cup mở rộng số đội tham dự từ 32 lên 48 đã thôi thúc những nền bóng đá trung bình ở châu Á như Indonesia, Palestine, CHDCND Triều Tiên hay Thái Lan đầu tư mạnh. Trong khi đó, các trụ cột đội tuyển Việt Nam đã đạt tới đỉnh cao, chuẩn bị bước đến giai đoạn không còn thăng tiến thêm về trình độ. Bên cạnh bổ nhiệm HLV với triết lý mới, đội tuyển Việt Nam cần chuẩn bị lứa kế cận. Với dàn trẻ sung sức, giàu động lực và tư duy cởi mở hơn, đội tuyển Việt Nam có thể chuyển dịch triết lý chơi sang hướng chủ động hơn, từng bước thay thế đàn anh trong 2, 3 năm tới.
Tuy nhiên, lớp trẻ chưa cho thấy dấu hiệu làm được điều đó. Lứa U.23 vẫn đang chật vật tìm chỗ đứng, rất ít cầu thủ chiếm suất ở đội tuyển Việt Nam (chưa nói tới chuyện gây ấn tượng). Còn lứa U.19 và U.16 chưa giới thiệu gương mặt sáng giá nào, dù các HLV đã gọi những cầu thủ tốt nhất, ở giai đoạn V-League và hạng nhất nghỉ, đồng nghĩa các CLB không giữ người.
HLV Kim Sang-sik sẽ mở rộng vùng lựa chọn ở đội tuyển Việt Nam trong 2 đợt tập trung tới, lần lượt vào tháng 9 và 10. Nhiều cầu thủ trẻ sẽ khoác áo tuyển, nhưng có ai đủ giỏi để trụ lại không, đó là không phải việc của ông Kim. HLV người Hàn Quốc chỉ đánh giá và chọn lọc, còn huấn luyện cầu thủ trẻ thế nào lại là chuyện ở cấp CLB. Mà khía cạnh này, ông Kim cũng giống ông Troussier hay ông Park Hang-seo, chẳng thể kiểm soát được.
HLV Kim Sang-sik vẫn có lực lượng tương đối ổn cho những mục tiêu gần như AFF Cup 2024 và 2026, hay vòng loại Asian Cup 2027. Nhưng nếu nhìn xa hơn thế, rõ ràng còn nhiều thứ đáng lo.
Nguồn: https://thanhnien.vn/lua-tre-thua-lien-tuc-rat-lo-cho-doi-tuyen-viet-nam-va-hlv-kim-sang-sik-185240723085852355.htm