Trong lịch sử bóng đá, có lẽ không ai đặc biệt như Carlos Henrique Raposo – người được mệnh danh là “Carlos Kaiser”. Không ghi bàn, không ra sân, chẳng có danh hiệu nào, nhưng lại sống cuộc đời của một “cầu thủ chuyên nghiệp” trong suốt hàng chục năm. Bí quyết của anh? Một cuộc đời đầy mưu mẹo, lừa đảo tinh vi và khả năng diễn xuất bậc thầy.

Từ giấc mơ bóng đá đến sự nghiệp… không cần đá bóng

Sinh năm 1963 tại Rio de Janeiro – nơi bóng đá gần như là tôn giáo – Carlos Kaiser từ nhỏ đã mơ thành cầu thủ. Vấn đề là anh… đá rất tệ. Ở các đội trẻ, anh thường chỉ là “người xách nước”, không đủ trình ra sân.

"Ông vua lừa đảo" cả sự nghiệp không phải đá trận nào, bị yêu cầu ra sân là giả chấn thương- Ảnh 1.

Nhận ra điểm mạnh không nằm ở đôi chân, Kaiser dùng vẻ ngoài bảnh bao và tài ăn nói để mở đường. Năm 20 tuổi, anh lọt vào mắt xanh một tuyển trạch viên của CLB Botafogo – chỉ vì trông giống một cầu thủ thực thụ. Nhưng thực tế, anh chẳng biết chơi bóng!

Ngay sau khi ký hợp đồng, Kaiser lập tức… giả chấn thương. Anh viện lý do đau cơ, trốn tránh tập luyện và “bốc hơi” trước khi ai phát hiện ra sự thật. Kế hoạch này trót lọt đến mức anh tiếp tục tái diễn với hàng loạt đội bóng lớn như Flamengo, Fluminense, Vasco da Gama, thậm chí còn “xuất ngoại” sang Argentina.

Nghệ thuật lừa đảo: Từ giả đau chân đến thuê báo viết bài

Carlos Kaiser không chỉ là kẻ trốn tránh sân cỏ, mà còn là bậc thầy tạo dựng hình ảnh. Mỗi lần ký hợp đồng, anh chỉ yêu cầu thời hạn ngắn – đủ để lĩnh lương mà không phải thi đấu. Nếu bị ép tập luyện? Anh giả vờ chấn thương: đau đùi, căng cơ, đau răng… thậm chí từng hối lộ nha sĩ để làm chứng!

"Ông vua lừa đảo" cả sự nghiệp không phải đá trận nào, bị yêu cầu ra sân là giả chấn thương- Ảnh 2.

Vào thời điểm chưa có công nghệ chụp MRI hiện đại, việc kiểm tra chấn thương còn thủ công, Kaiser dễ dàng qua mặt các bác sĩ. Họ tin rằng chẳng ai dại gì… giả đau để khỏi đá.

Có lần, khi bị CLB Bangu yêu cầu thi đấu, Kaiser liền lao vào đánh nhau với khán giả để bị truất quyền thi đấu – né được trận cầu nguy hiểm. Còn khi hết lý do ở chân, anh chuyển sang than “đau răng” để xin nghỉ.

Không dừng lại ở đó, anh còn thuê báo chí địa phương viết bài tung hô, bịa chuyện đã từng thi đấu ở châu Âu, ghi bàn trong những trận đấu… không hề tồn tại. Anh cũng thường xuyên nịnh nọt đồng đội và sành sỏi ở các cuộc ăn chơi, giúp mình được yêu mến và ít bị nghi ngờ.

"Ông vua lừa đảo" cả sự nghiệp không phải đá trận nào, bị yêu cầu ra sân là giả chấn thương- Ảnh 3.

Một lần gia nhập CLB mới, anh còn chạy đến khán đài, hôn lên huy hiệu đội bóng ngay buổi tập đầu tiên để lấy lòng cổ động viên – khiến HLV không dám sa thải vì sợ phản ứng dư luận!

Sống như ngôi sao mà không cần thi đấu

Dù không ra sân phút nào, Carlos Kaiser vẫn sống sung túc. Lương cầu thủ, hợp đồng quảng cáo nhỏ lẻ và mối quan hệ với các ngôi sao thật sự như Romario hay Bebeto giúp anh xây dựng vỏ bọc hoàn hảo. Anh thường xuyên xuất hiện ở các buổi tiệc xa hoa, kể chuyện “huy hoàng” mà không ai kiểm chứng. Có lần, anh thuyết phục được một đội bóng Mexico ký hợp đồng chỉ bằng… lời nói!

Kết thúc của một “nghệ sĩ sân cỏ”

Đầu thập niên 1990, khi bóng đá ngày càng chuyên nghiệp và công nghệ phát triển, các trò bịp bợm của Kaiser dần bị lật tẩy. Anh “giải nghệ” ở tuổi 30 mà không thi đấu bất kỳ trận chính thức nào.

"Ông vua lừa đảo" cả sự nghiệp không phải đá trận nào, bị yêu cầu ra sân là giả chấn thương- Ảnh 4.

Sau này, Kaiser thú nhận toàn bộ câu chuyện trong bộ phim tài liệu Kaiser: The Greatest Footballer Never to Play Football (2018). Trong đó, ông tự hào gọi mình là “người sống sót thông minh” của bóng đá:

“Tôi đã sống khoẻ 26 năm mà không ai phát hiện ra tôi không biết đá bóng.”

Một sự nghiệp có một không hai – khiến cả thế giới bóng đá vừa sửng sốt, vừa bật cười vì độ “cao tay” chưa từng thấy.

Share.