Indonesia vẫn chưa là gì so với đội tuyển dự EURO gần như chỉ toàn “kiều bào ở nước ngoài”.
Gần đây chúng ta đã có nhiều tranh luận về việc Indonesia nhập tịch rất nhiều cầu thủ đang sinh sống và thi đấu ở Hà Lan nhưng có gốc gác xứ Vạn Đảo. Dù vậy kỳ EURO 2024 tới sẽ cho khán giả thấy rằng chuyện đội tuyển có tuyển thủ sinh ra và là kiều bào ở nước ngoài không hề hiếm. Pháp kỳ này thậm chí còn chẳng đáng kể so với một số đội tuyển như Croatia, Scotland, Thổ Nhĩ Kỳ,…
Trong số đó Albania là đáng chú ý nhất: tới 2/3 cầu thủ của họ được sinh ra ở nước ngoài, và đó là chưa tính các cầu thủ sinh ra ở Albania nhưng di cư khi còn bé. Khoảng 1/3 tuyển thủ Albania dự EURO 2024 đã nhập tịch, hoặc được FIFA cho phép đá cho tuyển Albania kể từ năm 2020, trong đó có 7 cầu thủ đã ra sân hơn 25 trận cho ĐTQG.
Trong khi dư luận Việt Nam đàm tiếu về việc Indonesia theo đuổi chính sách săn lùng cầu thủ giỏi từ cộng đồng kiều bào nước ngoài, điều đó chỉ là “muỗi” với LĐBĐ Albania. Sự chủ động của họ trong săn lùng tài năng khiến lúc này gần như toàn bộ ĐT Albania không có cầu thủ sinh ra và trưởng thành trong nước.
Granit Xhaka (phải) và anh trai Taulant Xhaka khi Thụy Sĩ gặp Albania tại EURO 2016. Để hụt một sao trẻ tiềm năng như Granit vào tay ĐT Thụy Sĩ năm 2011 là sai lầm Liên đoàn bóng đá Albania quyết không lặp lại
Ví dụ điển hình là tiền đạo cánh phải Jasir Asani, anh có bố mẹ người Albania nhưng sinh ra ở Bắc Macedonia. Dù vậy Albania nhập tịch cho cầu thủ này năm 21 tuổi để ngăn Bắc Macedonia kịp cho anh này đá tuyển, nhưng mãi tới năm ngoái 2023 Asani mới lần đầu được triệu tập để đá vòng loại EURO.
Albania học được từ thất bại trong quá khứ khi hời hợt thuyết phục Granit Xhaka khiến tiền vệ này chọn ĐT Thụy Sĩ vào năm 2011. Họ tuyển quân cực kỳ chủ động: Ivan Balliu sinh ra ở Catalunya và trưởng thành ở lò La Masia của Barcelona cùng Sergi Roberto và Thiago Alcantara, để rồi năm 24 tuổi anh đột ngột được LĐBĐ Albania liên hệ vì họ phát hiện ra họ của anh khi dò tìm cầu thủ.
Albania trong quá trình tranh giành cầu thủ cũng không ngán làm mất lòng các liên đoàn khác, thậm chí lao vào các cuộc kiện tụng. Họ giành lấy hậu vệ Ardian Ismajli mặc dù cầu thủ này đã đá 1 trận giao hữu cho Kosovo, trước khi bị LĐBĐ Thụy Sĩ kiện ra tòa (và thắng kiện) vì gọi lên tiền vệ Nedim Bajrami mặc dù Bajrami đã đá 40 trận cho các tuyển trẻ Thụy Sĩ.
Tại EURO này, Albania có 5 cầu thủ sinh ra tại Thụy Sĩ (Arlind Ajeti, Berat Djimsiti, Nedim Bajsrami, Medon Berisha, Amir Abrashi), 3 cầu thủ sinh ra ở Bắc Macedonia (Jasir Asani, Taulant Seferi, Naser Aliji), 3 cầu thủ chào đời ở Kosovo (Etrit Berisha, Ardian Ismajli, Mirlind Daku), 2 cầu thủ sinh ở Hy Lạp (Mario Mitaj, Tomas Strakosha), 2 cầu thủ sinh ở Đức (Yiber Ramadani, Arber Hoxha), 1 cầu thủ sinh ở Tây Ban Nha (Ivan Balliu), 1 cầu thủ sinh ở Italia (Marash Kumbulla), và Armando Broja của Chelsea sinh ra tại Anh.
Số cầu thủ sinh ra tại Albania nhưng di cư trước khi bắt đầu tập đá bóng cũng không ít. Tiền đạo Rey Manaj, tiền vệ trung tâm Kristjan Asllani nhập cư vào Italia khi còn bé, tiền vệ phòng ngự Klaus Gjasula lớn lên ở Đức, trong khi trung vệ Enea Mihaj và tiền vệ trung tâm Qazim Laçi bắt đầu nghiệp bóng đá với các đội trẻ ở Hy Lạp.
Albania có chỉ 3 cầu thủ sinh ra và bắt đầu sự nghiệp cầu thủ trong nước, đó là 2 thủ môn Ernest Muçi và Elhan Kastrati cùng với hậu vệ phải Elseid Hysaj, người có thể xem là cầu thủ giỏi nhất của tuyển Albania. Nhưng Kastrati năm 17 tuổi cũng sang Italia để phát triển sự nghiệp, trong khi Hysaj năm 14 tuổi đã đến tập ở CLB Empoli trước khi trở thành ngôi sao ở Napoli và giờ là Lazio.
Việc đa số các cầu thủ Albania sinh ra hoặc di cư ra nước ngoài không có gì ngạc nhiên, quốc gia này trải qua sự hỗn loạn xã hội, kinh tế trong thập niên 1990 khiến người dân phải sang các nước khác để cải thiện cuộc sống. LĐBĐ Albania do đó coi chiêu mộ nhân tài từ nước ngoài là điều bình thường, và họ càng đẩy mạnh điều đó sau khi Albania hụt EURO 2021.
ĐT Albania với lực lượng mới đã chinh phục vòng loại EURO với ngôi nhất bảng E, đứng trên CH Czech và Ba Lan. Họ được dẫn dắt bởi HLV Sylvinho, cựu hậu vệ biên người Brazil của Arsenal và Barcelona những năm 2000. Thành công của tuyển Albania khiến Sylvinho và trợ lý Pablo Zabaleta rất được yêu mến tại Albania, họ đã được thưởng huân chương và nhập quốc tịch Albania.
Albania rơi vào bảng C “tử thần” với Italia, Tây Ban Nha và Croatia, nhưng lối chơi của họ được đánh giá rất khó chịu. Đề cao phòng ngự phản công, đội tuyển vùng Balkan này hứa hẹn sẽ là chướng ngại đáng gờm cho 3 đội tuyển mạnh còn lại.
Không chỉ Albania, một số đội tuyển khác cũng có số lượng đáng kể cầu thủ sinh ra ở nước ngoài do gia đình di cư (bao gồm cả con của các cầu thủ được sinh ra khi bố thi đấu nước ngoài).
Croatia và Thổ Nhĩ Kỳ có 8 người mỗi đội, trong đó Croatia có Josip Stanisic sinh ra ở Đức và Mateo Kovacic sinh ra ở Áo, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ có tới 5 người sinh ra tại Đức, bao gồm tiền vệ chủ lực Hakan Calhanoglu.
Scotland có 5 cầu thủ sinh ra ở Anh, bao gồm Scott McTominay và Che Adams. Trong khi đó Hungary và Serbia cũng có 5 cầu thủ đẻ ở ngoài lãnh thổ của họ, đáng chú ý nhất là anh em nhà Milinkovic-Savic của Serbia sinh tại Tây Ban Nha.
Nhiều fan bóng đá đùa cợt rằng Pháp vô địch World Cup 2018 với “đội hình châu Phi”, ám chỉ số cầu thủ gốc Phi của họ. Dù vậy đa số những cầu thủ đó sinh tại Pháp, trong khi chính các đội tuyển châu Phi mới phải cầu cạnh nước Pháp để nhập cầu thủ (650 cầu thủ đá CAN 2024 thì có tới 107 người sinh ra tại Pháp).
Ở EURO này Pháp chỉ có 3 người sinh ở nước ngoài là Brice Samba (Congo), Eduardo Camavinga (Angola) và Marcus Thuram (Italia – anh sinh ra khi bố anh đang đá ở Serie A). Tây Ban Nha cũng có 3 cầu thủ, Joselu sinh ra ở Đức có bố mẹ đều là người Tây Ban Nha trong khi 2 trung vệ Robin Le Normand và Aymeric Laporte đều là người Pháp nhập tịch.
Đức và Anh đều chỉ có 1 cầu thủ sinh ở nước ngoài. Với ĐT Anh là trung vệ Marc Guehi, anh sinh ở Bờ Biển Ngà nhưng cùng gia đình tới Anh khi mới chỉ 1 tuổi. Với Đức là trung vệ Waldemar Anton, anh sinh ra ở Uzbekistan trong một gia đình người Đức gốc Nga và về Đức năm 2 tuổi.
Đan Mạch, Hà Lan, Áo, CH Czech là những đội tuyển ở EURO 2024 này không có cầu thủ sinh ra ở nước ngoài.
Nguồn: https://www.24h.com.vn/euro-2024/doi-tuyen-du-euro-nhap-tich-cau-thu-choang-nhat-indonesia-con-thua-xa-c955a1576184.html