Khán giả Việt Nam sẽ được xem trực tiếp các trận đấu tại EURO 2024, nhưng cũng như các sự kiện lớn trước đây, vấn đề bản quyền và xử lý các kênh xem lậu lại nóng.

Lục lại những thông tin đã có từ cuối năm 2022 – thời điểm trước khi diễn ra World Cup tại Qatar, có thể thấy, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã “chỉ mặt, đặt tên” một số website xem bóng đá lậu. Không chỉ vậy, còn có cả danh sách các trang thông tin điện tử cung cấp nội dung quảng cáo cá độ, cung cấp trò chơi điện tử trái phép có tính chất cờ bạc, đổi thưởng… là hành vi vi phạm pháp luật.

Kèm theo đó, “hàng loạt biện pháp mạnh tay” cũng được đề cập để xử lý, ngăn chặn. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, thực tế ra sao? Nếu muốn, bất kỳ ai cũng có thể xem được các sự kiện, giải đấu qua những website “đã bị nhắc tên” chỉ với vài thao tác đơn giản. Và về mặt quy mô, nội dung và số lượng các môn thể thao được phát trực tiếp trên các website này còn lớn hơn, có cả những sự kiện, giải đấu mà các đơn vị làm truyền hình ở Việt Nam không có bản quyền.

Ngăn chặn vi phạm bản quyền EURO 2024 trên không gian mạng

Điều đó khiến người ta phải thừa nhận một điều rằng, xem thể thao trên các trang web lậu vẫn là điều gì đó có sức hút riêng. Tất nhiên, nó càng khiến các nhà quản lý, các đơn vị giữ bản quyền trên lãnh thổ Việt Nam phải đau đầu.

EURO 2024 chỉ còn ít ngày nữa sẽ diễn ra, “cuộc chiến” với các trang web xem bóng đá lậu lại trở thành chủ đề được quan tâm.

Tính đến thời điểm này, theo trang chủ của Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA), đã có 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới sở hữu bản quyền truyền hình EURO 2024, trong đó có Việt Nam. Đơn vị mua được bản quyền là Viettel Telecom, với công bố từ cuối năm ngoái. Việc công bố sớm bản quyền có thể làm dịu đi khía cạnh ganh đua giữa các đơn vị, nhưng câu hỏi đặt ra là, chừng đó thời gian có đủ để tìm được hướng giải quyết vấn đề chống web lậu?

Trước vấn đề không mới nhưng chưa cũ và vẫn nóng, dĩ nhiên, không khó để đặt câu hỏi xem “biện pháp ngăn chặn là gì”? Sẽ là những biện pháp cũ, có thể có biện pháp mới, nhưng liệu có triệt để hay không? Nhắc lại một thống kê cũ nữa, từ tháng 8.2022 đến tháng 8.2023, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử phối hợp với Cục An toàn thông tin và các chủ thể quyền sở hữu để ngăn chặn gần 1.000 website bóng đá lậu.

Con số có thể lớn, nhưng hãy nhớ rằng, trong thời đại công nghệ như ngày nay, cũng có thừa những “biện pháp” để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi tên miền hoặc tạo nên một website khác để duy trì sự tồn tại. Không quá nếu nói rằng, con số bị chặn chỉ là một phần nhỏ, trong khi thực tế lại là “như nấm sau mưa”.

EURO 2024: Những điều cần biết, lịch thi đấu, địa điểm, thời gian tổ chức

Vì sao? Cũng lại là thống kê của năm 2022 và 2023, có khoảng 1,5 tỉ lượt xem đổ về khoảng 70 trang web lậu. Trong khi đó, như chia sẻ của lãnh đạo Viettel Telecom vào cuối năm ngoái, họ có khoảng hơn 10 triệu khách hàng thường xuyên – quá ít so với con số kể trên.

Giống như nhiều lĩnh vực khác, giữa những biến thiên của công nghệ, việc chống các trang web lậu là “cuộc chiến không hồi kết, một cuộc rượt đuổi không có đích”. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là không hành động mà ngược lại, song song với hành động, cần sự thích nghi, cần nhìn lại chính cách làm của mình.

Nắm trong tay chất liệu chất lượng đỉnh cao nhưng có thể biến nó thành “món ngon”, đủ sức kéo người xem trở lại hay không, đó mới là vấn đề. Cần trả lời câu hỏi kết hợp giữa “biện pháp” và “giải pháp” thế nào cho hợp lý?

Phải khẳng định rằng, sau rất nhiều năm, việc chuyển đổi về ý thức của người dân từ việc “xem miễn phí” sang “xem truyền hình trả tiền” đã có sự dịch chuyển tích cực. Đó là cơ sở tốt để định hướng. Nhưng định hướng bằng gì nếu không tạo cho người xem sự hứng thú? Thu hút bằng gì khi người ta còn sợ rằng “phải xem” các chương trình liên quan có khi còn làm hỏng cả “món ăn của cảm xúc”!?

Nguồn: https://laodong.vn/the-thao/ngan-chan-vi-pham-ban-quyen-euro-2024-tren-khong-gian-mang-1348870.ldo

Share.